Bản vẽ kỹ thuật diễn tả chính xác hình dạng của chi tiết máy móc hay công trình cần thể hiện, dưới dạng nét vẽ. Ngoài việc diễn tả được ý tưởng của người thiết kế, bản vẽ kỹ thuật còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn là điều kiện để hoàn thiện sản phẩm này. Vậy những tiêu chuẩn thiết kế bản vẽ kỹ thuật là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Phép chiếu không gian
Bản vẽ bao gồm các loại hình biểu diễn, đó là: hình chiếu, hình cắt và mặt cắt. Để biểu diễn đầy đủ các loại hình này, người ta phải sử dụng đến phép chiếu.
Phép chiếu được hiểu là quá trình vẽ hình biểu diễn của một vật thể lên mặt phẳng. Phép chiếu bao gồm các yếu tố như: tâm chiếu, mặt phẳng hình chiếu và tia chiếu. Thông thường, người ta sử dụng phép chiếu xuyên tâm và phép chiếu song song để biểu diễn hình chiếu của vật thể.
Bố trí hình chiếu trên bản vẽ
Hình biểu diễn bề mặt nhìn thấy của vật thể bằng mắt thường gọi là hình chiếu. Người xem sẽ dựa vào các hình chiếu này để hiểu rõ hơn về vật thể. Một vật thể bao gồm các hình chiếu sau:
- Hình chiếu đứng: nhìn từ phía trước vật thể
- Hình chiếu cạnh: nhìn từ bên trái vật thể
- Hình chiếu bằng: nhìn từ phía trên vật thể xuống
Quy định về đường nét bản vẽ kỹ thuật
- Nét cơ bản liền đậm: biểu diễn đường bao thấy của vật thể, bề rộng từ 0.5-1.4mm
- Nét đứt: thể hiện đường bao khuất của vật thể, độ dài nét đứt từ 2-8mm, thống nhất trên cùng bản vẽ
- Nét chấm gạch mảnh: thể hiện đường trục, đường tâm, có độ dài từ 5-30mm, bền rộng bằng 1/2 hoặc 1/3 nét cơ bản
- Nét liền mảnh: dùng để ghi kích thước và các đường going
- Nét cắt: thể hiện vết của mặt phẳng cắt, bề rộng từ 1-1.5 lần nét cơ bản
Tỷ lệ bản vẽ
Tất cả vật thể trên cùng một bản vẽ phải đều được vẽ theo một tỷ lệ nhất định, đã quy ước từ trước. Trên thực tế, tỷ lệ bản vẽ tốt nhất nên là 1:1, vật thể sẽ không khác gì so với kích thước ban đầu. Ngoài ra, người thiết kế có thể sử dụng theo tỷ lệ thu nhỏ hoặc tỷ lệ phóng to cho phù hợp.
Khung hình vẽ kỹ thuật
Bất kỳ một bản vẽ kỹ thuật nào cũng đều có khung hình vẽ. Khung hình vẽ được thể hiện bằng nét cơ bản, cách mép tờ giấy một khoảng 5mm, cạnh trái cách mép tờ giấy từ 15-20mm. Khổ giấy được lựa chọn để thiết kế bản vẽ thường là giấy A0, A1, A2, A3, A4.
Khung tên trên bản vẽ
Khung tên trên bản vẽ bao gồm các nội dung về sản phẩm được biểu diễn cũng như những thành viên tham gia hoàn thành bản vẽ.
Khung tên đặt tại vị trí dọc theo cạnh của khung vẽ, góc bên phải phía dưới. Khổ giấy A4 có khung tên đặt theo cạnh ngắn còn khổ giấy khác thì đặt theo cạnh dài của bản vẽ.
Quy định về ghi kích thước bản vẽ
Độ lớn của chi tiết sẽ được biểu diễn bằng con số. Người thiết kế sẽ ghi chúng trên đường kích thước và ghi vào khoảng giữa.
Ký hiệu độ nhám bản vẽ
Bề mặt của chi tiết thường không nhẵn do quá trình gia công. Những vết lồi lõm này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của sản phẩm. Do đó, bề mặt sản phẩm càng nhẵn thì càng ít ma sát, hiệu suất làm việc cao hơn và khả năng chống ăn mòn tốt hơn.
Để chọn độ nhám bề mặt cần căn cứ vào công dụng của chi tiết cũng như tính toán đến giá thành của chúng. Giá thành càng cao thì độ chính xác càng cao, đồng nghĩa độ nhám bề mặt càng giảm.
Trình tự đọc bản vẽ kỹ thuật
Đọc bản vẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về hình dạng của chi tiết theo hình chiếu trên bản vẽ, xác định chính xác kích thước chi tiết, độ nhám bề mặt và các số liệu khác. Trình tự đọc bản vẽ như sau:
- Đọc khung tên bản vẽ
- Xác định hình chiếu chính và các hình chiếu phụ
- Phân tích hình chiếu để hình dung chi tiết một cách cụ thể
- Phân tích kích thước và độ nhám của chi tiết
Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu đến bạn tiêu chuẩn bản vẽ kỹ thuật chi tiết nhất và đầy đủ nhất. Bộ tiêu chuẩn này là căn cứ giúp người đọc dễ hiểu và có thể tiếp cận với bất kỳ loại bản vẽ kỹ thuật nào. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết!